Cơ hội học đại học ngày nay đang rộng
mở hơn bao giờ hết với những chương trình đào tạo đa dạng về hình thức triển
khai, chất lượng và học phí. Một xu hướng đang được phụ huynh và học sinh rất quan
tâm là các chương trình đại học quốc tế (CTĐHQT) tại Việt Nam. Đây là cơ hội
cho sinh viên tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của các quốc gia phát triển với
mức chi phí thấp hơn nhiều so với việc đi du học hoàn toàn tại nước ngoài. Để
cung cấp thêm thông tin về loại hình đào tạo này, Báo Giáo dục và Thời đại phỏng
vấn Tiến sỹ Đồng Xuân Đảm, Viện Trưởng Viện Đào tạo Quốc tế và Thạc sỹ Ngô Thế
Công, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng, Manpower Group, Cựu sinh viên chương
trình Cử nhân Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD).
PV:
Là người quản lý các CTĐHQT tại Viện Đào tạo Quốc tế, Trường ĐH KTQD, xin ông
cho biết thế nào là một CTĐHQT?
TS. Đồng Xuân Đảm: Theo tôi, một CTĐHQT
thực thụ phải khác đào tạo truyền thống ở các điểm sau: Thứ nhất, các chương
trình đó được thừa nhận rộng rãi tại các trường đại học trên thế giới với dấu
hiệu nhận biết là kết quả học tập của sinh viên được thừa nhận tương đương để
chuyển tiếp. Thứ hai, chương trình đó phải được kiểm định và chấp nhận bởi các
trường đại học quốc tế và thậm chí là bởi các tổ chức kiểm định giáo dục quốc
tế. Thứ ba, chương trình được giảng dạy bằng ngôn ngữ nước ngoài, thường là
tiếng Anh.
PV: Vậy ưu điểm và thách
thức của các CTĐHQT là gì?
TS. Đồng Xuân Đảm: Ưu điểm lớn nhất là
sinh viên sẽ có cơ hội thuận lợi khi tham gia vào thị trường lao động quốc tế.
Thứ hai là năng lực giải quyết các vấn đề một cách chuyên nghiệp, bài bản trong
môi trường đa văn hóa. Và thứ ba là kĩ năng giao tiếp và xử lý vấn đề trong môi
trường đa văn hóa bằng tiếng Anh.
Đi kèm với ưu điểm thì có thách thức. Đó là sinh
viên phải thay đổi tâm thế học tập, so với việc học ở THPT thì tâm thế học tập
này đòi hỏi tư duy chủ động, tính phản biện và tinh thần hợp tác. Thứ hai, các
em phải thực sự nghiêm túc, vì thái độ trung thực trong quá trình học tập là
điều kiện tiên quyết. Sinh viên cần chuẩn bị vốn tiếng Anh tương đối tốt. Thách
thức nữa là gia đình cần có khả năng tài chính tốt, vì học phí ở đây tương đối
cao hơn so với mức học phí của các chương trình đại trà.
PV:
Hiện có rất nhiều CTĐHQT tại Việt Nam, làm thế nào để phân biệt được chất lượng
của các chương trình này?
TS. Đồng Xuân Đảm: Chúng ta cần có các
tiêu chí. Đầu tiên là chất lượng của trường đại học tham gia đào tạo: trường tổ
chức thực hiện tại Việt Nam phải là trường có uy tín và năng lực đào tạo tốt,
còn đối tác quốc tế cấp bằng cũng phải là một trường uy tín và đặc biệt là nằm
trong bảng xếp hạng quốc tế. Ví dụ ở Anh có The Guardian Guide xếp hạng trường
đại học và ngành học. Người ta đánh giá mức độ thỏa mãn của học sinh trên nhiều
khía cạnh như chuyên môn, việc làm… Tuổi đời của chương trình cũng là một yếu
tố quan trọng. Một chương trình đã tổ chức được nhiều khóa, số lượng sinh viên
ra trường tìm được việc làm rất tốt thì đó là một chương trình có uy tín và
chất lượng.
PV: Câu hỏi
dành cho ThS. Ngô Thế Công, từ khía cạnh của một nhà tuyển dụng, anh có thể so
sánh sự đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của sinh viên các chương trình đại học trong
nước và quốc tế?
ThS. Ngô Thế Công: Chúng tôi làm rất nhiều
nghiên cứu về tình trạng tuyển dụng ở Việt Nam. Có một khía cạnh rất thú vị là
trong các nước Đông Nam Á, chỉ Việt Nam thiếu người giỏi tiếng Anh. Các bạn học
đại học truyền thống nếu có khả năng và nỗ lực thì vẫn có thể trau dồi tiếng
Anh cho mình. Tuy nhiên khi bạn học ở một CTĐHQT thì đương nhiên bạn sẽ được
đào tạo về tiếng Anh tốt hơn, bạn có sẵn môi trường để trải nghiệm và sử dụng
tiếng Anh. Tiếng Anh của các bạn sẽ có mặt bằng chung tốt hơn và khi ra trường
bạn có lợi thế về ngôn ngữ hơn.
Thứ hai là trách nhiệm trong công việc. Học ở CTĐHQT,
bạn phải chủ động, phải có trách nhiệm với việc học của bạn chứ không có thầy
cô đi theo để giục và cứ đến hạn thì bạn phải nộp bài. Tính trách nhiệm do vậy
vô cùng quan trọng, khi đi làm cũng vậy.
Thứ ba là tính chủ động, ở đây nghĩa là bạn dám
nói lên ý tưởng của mình, dám tranh luận với người khác để đưa ra những giải
pháp tốt. Các công ty không tuyển nhân sự về để nói đâu làm đấy mà để thậm chí
nói cho người sếp phải làm như thế nào. Sinh viên CTĐHQT đã được trang bị những
khả năng về thuyết trình, tranh luận trong lớp học. Tính chủ động của những
sinh viên du học hay những CTĐHQT tôi nghĩ sẽ có lợi thế hơn so với các bạn học
đại học truyền thống.
Và cuối cùng, quan trọng nhất, trong thời đại 4.0, chính những kỹ năng mang tính con người nhiều
nhất như giao tiếp, thuyết phục sẽ làm nên sự khác biệt không thể thay thế của
ứng viên. Các CTĐHQT là nơi lý tưởng để rèn luyện những kỹ năng trên thông qua
các hoạt động học tập đa dạng, yêu cầu làm việc nhóm và những hoạt động ngoại
khóa tự chủ dành cho sinh viên.
PV:
Anh có thể chia sẻ con đường học tập của anh không và tại sao anh lựa chọn con
đường đó? Nếu lựa chọn lại, anh có làm khác không?
ThS. Ngô Thế Công: Sau khi tốt nghiệp lớp
12 tôi rất muốn đi du học, tuy nhiên chi phí du học ngay năm đầu tiên đại học
là quá lớn. Lúc đó tôi biết ĐH KTQD có chương trình Cử nhân Quốc tế IBD@NEU và
thực sự đây là giải pháp rất tốt khi lựa chọn du học trong nước với chi phí
thấp hơn rất nhiều. Về đối tác, ĐH KTQD là uy tín nhất nhì Việt Nam còn đối tác
ở bên Anh của IBD@NEU cũng trong top đầu nước Anh. Tôi đã theo học IBD@NEU
trong ba năm, chuyển tiếp sang Anh học ĐH Huddersfield năm cuối để lấy bằng đại
học trường này và tiếp một năm nữa để lấy luôn bằng thạc sĩ ở đó.
Cho đến giờ tôi thấy đó là quyết định vô cùng
đúng đắn. Học đại học tại IBD@NEU đã bồi đắp tính chủ động, tinh thần trách
nhiệm, kỹ năng giao tiếp cho tôi. Đối với tôi việc học ở IBD@NEU không quá khó,
tôi vẫn có thời gian để tham gia các hoạt động khác của chương trình bởi có rất
nhiều hoạt động ngoại khóa từ thể thao đến nghệ thuật cho tới những hoạt động
mang lại những kỹ năng sống. Nghĩa là đi học không chỉ cắm đầu vào sách vở hay
thư viện mà mình cũng phải rèn luyện bản thân về kỹ năng sống, về nhân sinh
quan. Tất cả những kiến thức, kỹ năng và cả những kỷ niệm đẹp tại IBD@NEU đã giúp
tôi rất nhiều trong công việc và cuộc sống sau này.
Viện Đào
tạo Quốc tế, Trường ĐHKTQD hiện tuyển sinh hai chương trình đại học quốc tế:
Chương trình Cử nhân Quốc tế IBD@NEU, lấy bằng của các trường đại học Vương
quốc Anh và Chương trình Cử nhân Khởi nghiệp và Phát triển Kinh doanh B-BAE,
lấy bằng chính quy của Trường ĐHKTQD hoặc các trường đại học tại Mỹ. Thông tin
chi tiết tại www.isneu.edu.vn
Số lượt đọc:
241
-
Cập nhật lần cuối:
23/07/2018 11:12:40 AM Lễ tốt nghiệp khóa 10 - Chương trình Cử nhân Quốc tế IBD ngành Quản trị Kinh doanh Ấn tượng mùa Orientation Week 2018 Lễ khai giảng Chương trình Cử nhân IBD@NEU khóa 14 và Chương trình Cử nhân Khởi nghiệp & Phát triển kinh doanh BBAE@NEU khóa 1 Lễ tốt nghiệp khóa 10 - Chương trình Cử nhân Quốc tế ngành Ngân hàng Tài chính Tân sinh viên Chương trình CN Khởi nghiệp & Phát triển Kinh doanh: Khởi động - Sẵn sàng - Xuất phát cùng B-BAE Start-up Week Chuyển đổi sang thế giới số: Yêu cầu cấp thiết trong quản trị doanh nghiệp thời 4.0 Đại học Kinh tế Quốc dân mở ngành học mới về khởi nghiệp và phát triển kinh doanh |